Chứng bệnh của người già trong giới trẻ
Trước đây người ta nhắc đến cô đơn
khi không có người bên cạnh để trò chuyện, giãi bày tâm sự, khi có
những niềm vui nỗi buồn mà không thể chia sẻ cùng ai. Cô đơn là khi cần
một bàn tay ai đó nắm chặt, khi cần một bờ vai để dựa vào mà không
thấy…Thế nhưng giới trẻ ngày nay ngay giữa thế giới hàng nghìn bạn, hàng
nghìn like cho mỗi status vẫn cứ thấy cô đơn, lạc lõng.
Chúng ta không thể phủ nhận được rằng công nghệ phát triển con người có
nhiều cơ hội để có thể tiếp cận với tiến bộ xã hội, mở rộng các mối
quan hệ. Đặc biệt không thể phủ nhận được ý kiến rằng mạng xã hội có thể
kết nối và giúp con người xích lại gần nhau hơn. Ngày nay, việc trò
chuyện giữa hai đất nước, hai vùng miền xa xôi trở nên dễ dàng hơn rất
nhiều, những người bạn mất liên lạc hàng chục năm nhờ mạng xã hội có khi
lại tìm thấy nhau.
Nhưng có một nghịch lý rằng, mỗi lần lướt face, nhất là vào buổi tối,
chúng ta lại bắt gặp không ít những status than thở về nỗi cô đơn giữa
thế giới ảo. Thành viên trên facebook
có nick name BickKute học sinh lớp 11 A3 Trường THPT D.T hơn 2.000
người kết bạn nhưng cũng có khi không biết nói chuyện với ai. BichKute
từng viết: “Lên facebook có lúc thì buôn chuyện cả ngày không chán nhưng
có lúc thấy trống trải chẳng có ai để nói chuyện cả. Hình như mình mắc
chứng bệnh của người già. Cô đơn”.

Status của một cô nàng có 2.000 bạn trên facebook
Bickkute chia sẻ: “Bố mẹ thì bận đi làm, anh trai thì đi học cả ngày
tối anh đi chơi với bạn bè, mình thì chỉ có cái điện thoại làm bạn. Mình
mở tài khoản facebook cả ngày, lên đó nói chuyện với bạn bè cho đỡ
buồn. Nhưng không ít lần thấy nick mọi người sáng cũng chả muốn nói
chuyện với ai cả”.
Đây không phải là hoàn cảnh của một hai thành viê facebook, mà rất
nhiều người cũng từng rơi vào trường hợp hành trăm nick sáng đèn cũng
không biết nói chuyện với ai. Bạn Minh mummim mapmap đăng đàn lúc 23h
bằng câu nói: “Chán quá, không ngủ được, ai còn thức thì nói chuyện với
mình đi”. Ngay sau dòng status ấy, có mấy người thương xuyên nói chuyện
với anh bạn chỉ comment được vài dòng hỏi han rất xã giao: “ngủ đi ông”,
mất ngủ hả anh”, hay “đang tương tư cô nào đây mà?”...
Bên cạnh đó xu hướng lập ra những hội nhóm riêng để nói chuyện với
nhau, vì họ cho rằng chỉ có những người cùng cảnh ngộ, sở thích mới hiểu
được nhau đang rất được các bạn trẻ ưa chuộng. Nhưng chính việc lập hội
nhóm trên mạng càng khiến các bạn trẻ thu mình với hiện tại và ngày
càng chìm đắm trong thế giới ảo mà bị mất phương hướng trong các mối
quan hệ thực.
Mở rộng các mối quan hệ thực để cân bằng cuộc sống
Phải chăng chính mạng xã hội tràn ngập thông tin, rất dễ kết nối bạn bè
lại khiến cho người ta cảm thấy cô đơn. Cô đơn bởi vì những lần nói
chuyện tào lao ấy lại không thể giúp cho con người gần nhau đến mức có
thể chia sẻ, tâm sự những chuyện thầm kín. Không hiếm những trường hợp
quên ăn, quên ngủ vì đam mê công nghệ, điện tử, facebook.
Đã có rất nhiều nghiên cứu cho rằng công nghệ chính là một nguyên nhân
không nhỏ khiến cho cuộc sống của các bạn trẻ rơi vào vô cảm, lạc lõng,
cô đơn. Thế giới công nghệ giao tiếp bằng bàn phím làm giảm điều kiện
giao tiếp mặt đối mặt khiến chúng ta bị mai một những kĩ năng giao tiếp,
kĩ năng bộc lộ cảm xúc thực sự của mình.

Thạc sĩ Tâm lí Vũ Thu Hà
12-07-2013